Thành phố Quy Nhơn nằm về phía đông nam tỉnh Bình Định, thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Việt Nam. Thành phố được biển bao bọc ở hướng Đông, Tây giáp huyện Vân Canh, Bắc giáp huyện Tuy Phước và Phù Cát – tỉnh Bình Định, Nam giáp huyện Sông Cầu - tỉnh Phú Yên, có diện tích 285,49 km2, với bờ biển dài 42 km, thành phố là đô thị loại 1 trực thuộc Tỉnh của Việt Nam và là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá, khoa học kỹ thuật và du lịch của tỉnh Bình Định.
Quy Nhơn có 21 đơn vị hành chính gồm 16 phường, 5 xã (trong đó có 3 xã bán đảo, 01 xã đảo và 1 xã vùng núi), toàn thành phố có 152 khu vực dân cư, thôn (trong đó có 19 thôn), Dân số thường trú của thành phố Quy Nhơn theo số liệu thống kê năm 2009 là 280.535 người. Trong đó: Nam 136.085 người, nữ: 144.450 người; dân số khu vực nội thị là 255.463 người, dân số ngoại thị là 25.072 người. Tổng số hộ: 75.282 hộ
Tổng sản phẩm địa phương (GDP) theo giá so sánh 1994 ước đạt 2.547,13 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ (Nghị quyết HĐND: tăng 11%). Trong đó: công nghiệp – xây dựng tăng 8,78%; dịch vụ tăng 12,8%; nông, lâm, thủy sản tăng 5,13%. Về cơ cấu kinh tế: công nghiệp – xây dựng 47,17%, dịch vụ 47,91%, nông, lâm, thủy sản 4,92%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn theo phân cấp ước thực hiện: 630,1 tỷ đồng, đạt 50,17% kế hoạch năm (trong đó Chi cục Thuế quản lý thu 279,3 tỷ đồng, đạt 52,06% kế hoạch năm);
Trên địa bàn thành phố có Khu kinh tế Nhơn Hội, rộng hơn 12.000 ha, nằm phía Đông Bắc thành phố, trên bán đảo Phương Mai (gồm các phân khu chức năng như khu phi thuế quan, khu thuế quan, khu công nghiệp, khu cảng biển nước sâu, khu đô thị, khu du lịch); các Khu công nghiệp: Phú Tài, Long Mỹ cùng với các Cụm công nghiệp: Nhơn Bình, Quang Trung, Cụm Bùi Thị Xuân và Khu dịch vụ hậu cần nghề cá,... Xuất khẩu là thế mạnh của kinh tế thành phố với các mặt hàng chủ lực: đồ gỗ tinh chế, các mặt hàng nông - lâm - thủy sản, khoáng sản, đá granite và hàng tiêu dùng,…
Các tuyến đường du lịch Quy Nhơn - Sông Cầu, Nhơn Hội - Tam Quan và đặc biệt là năm 2006 đã khánh thành đưa vào hoạt động cây cầu Thị Nại có chiều dài khoảng 2.500 mét nối liền trung tâm thành phố với Khu kinh tế Nhơn Hội và những danh lam thắng cảnh độc đáo như Ghềnh Ráng, Bãi Dài, Bãi Xếp, Quy Hòa, Cù Lao Xanh, Đảo Yến, Hòn Khô, Vũng Chua, Phương Mai, Xương Lý, Hải Giang,… các di tích lịch sử văn hóa có giá trị được phân bố rải rác trên địa bàn thành phố như: Công viên Văn hóa Tháp Đôi (di tích cấp Quốc Gia) và các di tích: Tượng đài và Đền thờ anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, Lũy cổ trên bán đảo Phương Mai, Đình Cẩm Thượng, Chùa Ông Nhiêu (di tích cấp Tỉnh), Hải đăng Cù Lao Xanh (được xây dựng từ cuối TK 19); Khu du lịch Ghềnh Ráng, Hoa viên Quang Trung, Cầu Thị Nại và các điểm du lịch dọc tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu; các loại hình văn hóa nghệ thuật độc đáo như: Lễ hội cầu ngư, hát bội, tuồng, dân ca, bài chòi, hát ru, trống trận Tây Sơn, võ cổ truyền Bình Định…; những đặc sản của quê hương Bình Định: Rượu Bàu đá, nem chợ Huyện, bánh ít lá gai, bánh tráng,... và với vị trí là cửa ngõ hướng ra biển Đông của vùng Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia thì thành phố Quy Nhơn có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế du lịch.
Nguồn tin: Website Ủy ban Nhân dân thành phố Quy Nhơn