“Răng khôn” và những điều cần biết về “Răng khôn”

“Răng khôn” là chiếc răng cối lớn thứ 3 và là chiếc răng mọc trễ nhất trên cung răng (từ 18 – 25 tuổi). “Răng khôn” có tỷ lệ mọc ngầm và mọc lệch cao, do vậy can thiệp kịp thời có ý nghĩa quan trọng và nhổ “Răng khôn” là chỉ định thường gặp.

1. Răng khôn là gì?

“Răng khôn”: là răng cối lớn thứ 3.

Đặc điểm: răng mọc trễ nhất trên cung răng (từ 18-25 tuổi). Khoảng thời gian này xương hàm ít tăng trưởng về kích thước, chất lượng xương cứng hơn, niêm mạc và mô mềm phủ trên dày, chắc; do vậy răng khôn dễ mọc lệch và mọc ngầm.

Răng khôn hàm dưới có tỷ lệ mọc ngầm và mọc lệch cao nhất.

Răng mọc lệch và mọc ngầm dễ bị nhồi nhét thức ăn ⇒ Khó vệ sinh ⇒ Gây ra nhiều biến chứng (sưng, đau, nhiễm trùng, há miệng hạn chế…) và các răng này cũng ít tham gia vào chức năng ăn nhai.

Do vậy, can thiệp kịp thời có ý nghĩa quan trọng và nhổ răng khôn là chỉ định thường gặp.

Hình ảnh mô tả về “Răng khôn”

2. Nguyên nhân răng khôn lệch và ngầm

Xu hướng mất cân đối giữa kích thước của răng và xương hàm (răng có kích thước lớn hơn độ chiều dài của xương hàm, nên răng không đủ chỗ để mọc).

Răng mọc trễ nhất trong cung hàm ⇒Thiếu chỗ mọc.

Răng khôn mọc lúc 18 – 25 tuổi, xương hàm không còn tăng trưởng nhiều và có độ cứng cao.

Niêm mạc phủ dày và khá chắc.

Thực phẩm ngày càng được chế biến mềm, nên xương hàm kém hoạt động nhai, nên dẫn đến hiện tượng kém phát triển.

3. Những biến chứng thường gặp khi mọc răng khôn

  • Viêm lợi trùm, viêm mô tế bào: Do răng mọc lệch, nhồi nhét thức ăn vùng này thường khó vệ sinh làm sạch ⇒Gây viêm nhiễm, sưng đỏ, đau quanh thân răng ⇒ Tạo túi mủ áp xe, và có thể dẫn đến khít hàm.

  • Tình trạng viêm nhiễm kéo dài có thể dẫn đến phá hủy xương xung quanh răng và các răng bên cạnh. Trong trường hợp nặng có thể gây viêm xương hàm và nhiễm trùng huyết.
  • Sâu răng kế bên: Răng khôn hàm dưới hay mọc lệch, kẹt tựa vào răng kế bên là răng cối lớn thứ 2, gây sâu răng này và răng cối lớn thứ 2, Là răng có vai trò quan trọng trong quá trình ăn nhai.

  • Nang thân răng: Các răng khôn mọc ngầm trong xương có thể tạo thành nang thân răng tiến triển âm thầm trong xương hàm. Nếu không được điều trị, xương hàm sẽ bị tiêu dần dần, làm tăng nguy cơ gãy xương hàm.

  • Chen chúc răng: Răng khôn mọc lệch có thể gây chen chúc các răng trước.

  • Khít hàm: thường kèm theo nhiễm trùng và xảy ra sau khi đợt viêm cấp tính, sưng tại vùng góc hàm, khó há ngậm miệng. Khó ăn nhai và cử động hàm rất đau

4. Khi nào cần nhổ răng khôn ?

  • Răng mọc lệch, ngầm, đã gây biên chứng: Đau, khít hàm, viêm sưng, sâu răng khôn và răng kế cận
  • Răng mọc lệch ra khỏi cung răng, không tham gia vào việc ăn nhai, gây trở ngại cho việc vệ sinh răng miệng
  • Nhổ răng theo yêu cầu của chỉnh hình và phục hình.

Theo kinh nghiệm của một số chuyên gia thì việc nhổ dự phòng răng khôn hàm dưới mọc lệch, mọc ngầm khi chưa xảy ra tai biến giúp tránh được những tai biến đau nhức cho bệnh nhân về sau và công việc hậu phẫu trở nên đơn giản hơn.

Khi khám răng khôn, Bác sĩ khám lâm sàng, dựa trên phim X-quang để xác định vị trí, chiều thế và phương pháp nhổ thích hợp.

5. Những lưu ý sau khi nhổ răng?

Sau khi hoàn tất nhổ răng, Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng viêm và giảm đau cho bệnh nhân và hướng dẫn một số lưu ý khi chăm sóc răng miệng tại nhà.

Nghỉ ngơi tại nhà trong vòng từ 1 – 2 ngày để vết thương nhanh hồi phục.

 

Nguồn tham khảo:

Phẫu Thuật Miệng tập 2, PGS. TS. Lê Đức Lánh, Nhà Xuất Bản Y Học, Tp. Hồ Chí Minh.

Tác giả: Khoa RHM-Mắt-TMH – Trung tâm Y tế thành phố Quy Nhơn

Facebook

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin tức mới

Lên đầu trang