Đái tháo đường và những điều bạn cần biết

1. Đái tháo đường là gì?

Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa, có đặc điểm tăng glucose huyết mạn tính do khiếm khuyết về tiết Insulin, về tác động của Insulin, hoặc cả hai. Tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrat, protide, lipide, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh.

Theo Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF), năm 2019 toàn thế giới có 463 triệu người (20 – 79 tuổi) bị bệnh đái tháo đường, dự kiến đạt 578 triệu người vào văm 2030 và 700 triệu người vào năm 2045. Ước tính hơn 4 triệu người trong độ tuổi 20 – 79 đã tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến đái tháo đường trong năm 2019. Sự gia tăng của đái tháo đường một phần là do sự gia tăng của tình trạng thừa cân, béo phì và thiếu hoạt động thể chất.

Nguyên nhân của bệnh đái tháo đường rất phức tạp. Phần lớn mọi người có thể phòng ngừa bệnh đái tháo đường bằng chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường hoạt động thể chất, giữ cân nặng hợp lý và có lối sống lành mạnh.

2. Phân loại đái tháo đường

Đái tháo đường có thể chia làm 4 loại lớn: đái tháo đường típ 1, đái tháo đường típ 2, đái tháo đường thai kỳ, các thể đặc biệt.

Đái tháo đường típ 1: do tế bào beta bị phá hủy nên người bệnh không còn hoặc còn rất ít insulin, 95% do cơ chế tự miễn (típ 1A), 5% vô căn (típ 1 B). Người bệnh bị thiếu hụt insulin, tăng glucagon trong máu, không điều trị sẽ bị nhiễm toan ceton. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu ở trẻ em và thanh thiếu niên. Người bệnh cần insulin để ổn định glucose huyết.

Đái tháo đường típ 2: chiếm 90 – 95% các trường hợp đái tháo đường. Thể bệnh này bao gồm những người có thiếu insulin tương đối cùng với đề kháng insulin. Ít nhất ở giai đoạn đầu hoặc có khi suốt cuộc sống người bệnh đái tháo đường típ 2 không cần insulin để sống sót. Đa số người bệnh có béo phì hoặc thừa cân và/hoặc béo phì vùng bụng với vòng eo to. Béo phì nhất là béo phì vùng bụng có liên quan với tăng acid béo trong máu, mô mỡ cũng tiết ra một số hormon làm giảm tác dụng của insulin ở các cơ quan đích như gan, tế bào mỡ, tế bào cơ (đề kháng insulin tại các cơ quan đích). Tình trạng đề kháng insulin có thể cải thiện khi giảm cân, hoặc dùng một số thuốc nhưng không bao giờ hoàn toàn trở lại bình thường.

Đái tháo đường thai kỳ là loại đái tháo đường được chẩn đoán ở phụ nữ mang thai trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ, mà không có bằng chứng cho thấy bị đái tháo đường trước đó. Khoảng 1 – 2% phụ nữ mang thai giảm dung nạp glucose dẫn đến mức đái đường ở thời kỳ mang thai. Bệnh gây ra nguy cơ biến chứng trong quá trình mang thai và sinh nở. Phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ và trẻ sinh ra có nhiều nguy cơ bị đái tháo đường trong tương lai.

Các thể đặc biệt:

  • Khiếm khuyết trên nhiễm sắc thể thường, di truyền theo gen trội tại tế bào beta.
  • Khiếm khuyết trên nhiễm sắc thể thường, di truyền theo gen lặn tại tế bào beta.
  • Khiếm khuyết gen liên quan đến hoạt tính insulin.
  • Các hội chứng bất thường nhiễm sắc thể khác (Hội chứng Down, Klinefelter, Turner..)
  • Bệnh lý tụy: viêm tụy, chấn thương, u, cắt tụy, xơ sỏi tụy, nhiễm sắc tố sắt…
  • Đái tháo đường do bệnh lý nội tiết: to đầu chi, hội chứng Cushing, u tủy thượng thận, cường giáp, u tiết glucagon.
  • Đái tháo đường do thuốc, hóa chất: interferon alpha, corticoid, thiazide, hormon giáp, thuốc chống trầm cảm, antiretroviral protease inhibitors.

3. Triệu chứng của đái tháo đường

Thường ở người bệnh đái tháo đường típ 1, các triệu chứng lâm sàng xuất hiện rầm rộ với biểu hiện sút cân nhanh chóng, đái nhiều, uống nhiều. Trong khi các triệu chứng ở người bệnh đái tháo đường típ 2 diễn tiến âm ỉ, ít triệu chứng, thường chỉ tình cờ phát hiện.

Các triệu chứng cảnh báo bệnh đái tháo đường là:

  • Thường xuyên khát nước và cơn khát tăng dần.
  • Đi tiểu nhiều.
  • Mệt mỏi, giảm cân.
  • Cảm giác đói nhiều, ăn nhiều (đái tháo đường típ 1 khi gây biến chứng thần kinh, người bệnh có thể bị chán ăn).
  • Da ngứa, khô.
  • Dễ bị nhiễm trùng, vết thương lâu lành.
  • Giảm thị lực, nhìn mờ.
  • Chuột rút vào ban đêm, tê bì chân tay.
  • Nam giới có thể bị giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương.
  • Nữ giới có thể bị nhiễm trùng tiết niệu, viêm âm đạo, rối loạn kinh nguyệt.
  • Người lớn tuổi có thể bị lú lẫn, chóng mặt, ngã (do mất nước).

Hầu hết đái tháo đường thai kỳ không có triệu chứng. Một số trường hợp có biểu hiện thấy khát, đi tiểu nhiều hơn.

4. Biến chứng của đái tháo đường

Nếu không được kiểm soát, đái tháo đường có thể gây ra nhiều biến chứng cấp tính và mạn tính nguy hiểm.

Các biến chứng cấp tính:

  • Hạ glucose máu
  • Hôn mê nhiễm toan ceton
  • Tăng áp lực thẩm thấu
  • Hôn mê nhiễm toan lactic
  • Các bệnh nhiễm trùng cấp tính

Các biến chứng mạn tính:

  • Biến chứng mạch máu nhỏ: bệnh võng mạc đái tháo đường, biến chứng thận
  • Biến chứng mạch máu lớn: bệnh mạch vành, tăng huyết áp, bệnh mạch máu ngoại biên
  • Biến chứng thần kinh
  • Bàn chân đái tháo đường

5. Người bệnh đái tháo đường cần làm gì?

Người bệnh cần đi khám định kỳ, đánh giá lượng glucose huyết và đánh giá, tầm soát các biến chứng liên quan. Tùy từng người bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra mục tiêu điều trị khác nhau nhằm giảm các triệu chứng, kiểm soát lượng đường trong máu, giảm các biến chứng liên quan và giúp người bệnh đái tháo đường có cuộc sống bình thường.

Bệnh đái tháo đường típ 1 bắt buộc phải dùng insulin để điều trị, đái tháo đường típ 2 cần kết hợp điều trị thuốc với chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp. Thay đổi lối sống, giảm cân ở người béo phì và duy trì cân nặng ở người không thừa cân là điều kiện thiết yếu để điều trị và kiểm soát bệnh đái tháo đường:

  • Luyện tập 30 phút mỗi ngày, 150 phút mỗi tuần, không nên ngưng tập 2 ngày liên tiếp. Đi bộ là bài tập dễ áp dụng nhất, cần kết hợp với tập kháng lực. Nên tập theo thể lực của từng cá nhân.
  • Ăn giảm ngọt
  • Ưu tiên carbohydrat chưa qua tinh chế như gạo lứt, ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì đen…
  • Bổ sung ít nhất 15g chất xơ mỗi ngày.
  • Bổ sung đạm động vật và đạm thực vật từ các loại đậu, ăn nhiều cá.
  • Ưu tiên chất béo tốt từ mỡ cá, dầu oliu, dầu mè, dầu lạc, các loại hạt óc chó, hạnh nhân… Không sử dụng chất béo chuyển hóa từ thức ăn nhanh, thực phẩm chiên rán ngập dầu.
  • Không hút thuốc lá.

Ăn trái cây

  • Nên ăn nguyên múi, nguyên miếng không nên ăn nước ép trái cây vì quá trình chế biến đã bị mất chất xơ nên đường bị hấp thu nhanh hơn.
  • Không nên ăn hoa quả quá 20% mức năng lượng hàng ngày, vì quá mức sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến chuyển hóa chất béo, chất bột đường.
  • Chọn những trái cây có chỉ số đường huyết thấp: ổi, lê, táo, cam.
  • Ăn vừa phải trái cây có đường huyết trung bình: chuối, đu đủ.
  • Hạn chế trái cây có chỉ số tăng đường huyết nhanh: dưa hấu, vải, nhãn, xoài

Bên cạnh đó người bệnh cần được:

  • Kiểm soát huyết áp và lipid, phòng chống các rối loạn đông máu để giảm nguy cơ tim mạch và các biến chứng khác.
  • Thường xuyên tầm soát các tổn thương ở mắt, thận, thần kinh và bàn chân để được điều trị sớm.
  • Tiêm vaccine phòng bệnh cúm, phế cầu, viêm gan siêu vi.

Hiện nay, tỷ lệ mắc đái tháo đường ngày càng gia tăng và trẻ hóa, kiểm tra đường huyết định kỳ mỗi 6 tháng đến 1 năm là cách đơn giản nhất để tầm soát đái tháo đường. Ngay khi có các triệu chứng của bệnh đái tháo đường, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm, hạn chế biến chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống.

(Tài liệu tham khảo: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 2 năm 2020 của Bộ Y tế)

Bs. Nguyễn Thị Hồng Độ (Khoa Tim mạch – Nội Tiết – Trung tâm Y tế thành phố Quy Nhơn)

Facebook

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

HƯỚNG VỀ MIỀN BẮC THÂN THƯƠNG

Với tinh thần “tương thân tương ái”, “vì một Việt Nam đoàn kết”, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc

Tin tức mới

Lên đầu trang