Những điều cần biết về rối loạn khớp thái dương hàm

Rối loạn (RL) khớp thái dương hàm là một bệnh khá phổ biến, tuy không nguy hiểm nhưng bệnh gây ra các triệu chứng đau nhức hàm, khó mở miệng, làm ảnh hưởng đến khả năng ăn uống từ đó làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.

1. RL khớp thái dương hàm là gì?

Khớp thái dương hàm là khớp động duy nhất của phần sọ mặt, khớp bao gồm diện khớp của xương hàm dưới và diện khớp của xương thái dương cùng các thành phần khác như bao khớp, dây chằng khớp, đĩa khớp, mô sau đĩa. Khớp thái dương hàm có vai trò quan trọng, giúp cho hàm đóng, mở để thực hiện các hoạt động như ăn, nói, nuốt,…

RL khớp thái dương hàm (còn gọi là viêm khớp thái dương hàm) là bệnh lý rối loạn khớp hàm và các cơ mặt xung quanh dẫn đến tình trạng đau có chu kỳ, co thắt cơ, mất cân bằng khớp nối giữa xương hàm và xương sọ, chức năng của khớp thái dương hàm bị suy giảm làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.

RL khớp thái dương hàm là một bệnh khá phổ biến, có thể xảy ra ở tất cả mọi đối tượng. Tuy nhiên, nữ giới dậy thì và mãn kinh có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn.

1.1. Các triệu chứng bệnh RL khớp hàm thái dương

Hiện tượng đau khớp thái dương hàm xảy ra ở một hoặc hai bên mặt. Ban đầu chỉ là những cơn đau nhẹ, tự khỏi. Nhưng khi bệnh tiến triển nặng, bệnh nhân sẽ gặp những cơn đau liên tục, dữ dội, đặc biệt là khi ăn và nhai.

Các cơn đau ở trong và xung quanh tai, người bệnh khó mở miệng, đóng miệng, khó khăn khi cử động hàm. Khi mở miệng hoặc nhai có thể phát ra tiếng kêu khớp, người bệnh thường phải ngậm miệng lệch sang một bên gây mỏi hàm, mặt cắn không đều.

Nếu khớp thái dương hàm đang bị đau, khi nhai đau tăng lên và xuất hiện các tiếng kêu lục cục là bệnh đã ở giai đoạn nặng, cần nhanh chóng được điều trị kịp để tránh các biến chứng bệnh.

Các triệu chứng khác như đau đầu, nhức mặt, mỏi cổ, đau tai, nhức thái dương, mệt mỏi, viêm khớp thái dương hàm nổi hạch ở một hoặc hai bên, phì đại cơ nhai ở bên khớp bị viêm làm khuôn mặt bị phình to, mất cân đối.

RL khớp thái dương hàm có thể gây ra biến chứng giãn khớp, khi khớp bị giãn thì rất dễ xảy ra nguy cơ trật khớp, dính khớp. Khi đó các đầu khớp bắt đầu thoái hóa sẽ sẽ có hiện tượng dính giữa đĩa khớp với các đầu xương, biến chứng nguy hiểm nhất có thể xảy ra là thủng đĩa khớp. Thủng đĩa khớp nếu không được điều trị sẽ làm phá hủy đầu xương và xơ cứng khớp, bệnh nhân sẽ không thể há miệng được.

Hiện tượng đau khớp thái dương hàm xảy ra ở một hoặc hai bên mặt

1.2. Nguyên nhân RL khớp thái dương hàm

Có nhiều nguyên nhân có thể gây RL khớp thái dương hàm, trong đó nguyên nhân hàng đầu là các bệnh lý về xương khớp như thoái hóa khớp,viêm khớp dạng thấp, nhiễm khuẩn khớp,… Trong đó, viêm khớp dạng thấp là nguyên nhân chiếm 50% các trường hợp viêm khớp thái dương hàm. Các nghiên cứu cho thấy, khớp thái dương hàm là khớp bị tổn thương sau cùng do thoái hóa khớp, sau khi viêm ở các khớp bàn cổ tay, khớp gối, khớp khuỷu. Viêm thái dương hàm do thoái hóa khớp thường xảy ra ở người cao tuổi, có nhiều khớp xương đã bị thoái hóa.

Nguyên nhân phổ biến khác là chấn thương vùng hàm mặt do tai nạn giao thông, bị ngã khi lao động hoặc va đập khi chơi thể thao.

Các động tác như há miệng quá rộng đột ngột, nghiến răng lúc ngủ hay nhai kẹo cao su làm siết chặt hàm, tạo áp lực lớn tác động lên khớp thái dương hàm cũng làm tăng nguy cơ.

Ngoài ra, hiện tượng răng mọc lệch, mọc chen chúc hoặc các can thiệp như nhổ răng hàm, nhổ răng khôn, các sang chấn tâm lý, stress đều có thể gây RL khớp thái dương hàm.

2. Thăm khám và một số cận lâm sàng cần thiết:

Bác sĩ dựa vào các triệu chứng của người bệnh và kiểm tra răng, hàm của bệnh nhân:

  • Lắng nghe và cảm nhận hàm khi mở và đóng miệng
  • Quan sát phạm vi chuyển động trong hàm
  • Ấn vào các khu vực xung quanh khớp của người bệnh để xác định các vị trí đau hoặc khó chịu

Bên cạnh đó có thể chỉ định một số cận lâm sàng

  • X-Quang để kiểm tra răng và hàm : hàm chếch, cận chóp
  • CT scan để cung cấp hình ảnh chi tiết của xương liên quan đến khớp
  • MRI để phát hiện các vấn đề với đĩa khớp hoặc mô mềm xung quanh

3. Điều trị

Mặc dù vẫn chưa có phương pháp chữa trị triệt để đối với RL khớp thái dương hàm, nhưng vẫn có những phương pháp điều trị mà bạn có thể áp dụng để làm giảm đáng kể các triệu chứng. BS có thể khuyên người bệnh thực hiện một trong các phương pháp điều trị sau đây:

3.1. Thuốc

Cùng với các phương pháp điều trị không phẫu thuật khác, những lựa chọn thuốc này có thể giúp giảm đau do RL khớp thái dương hàm:

  • Thuốc giảm đau và chống viêm
  • Thuốc giãn cơ.

3.2. Giáo dục và tư vấn

Có thể giúp người bệnh hiểu các yếu tố và hành vi có thể làm nặng thêm cơn đau ,vì vậy bạn có thể tránh chúng, ví dụ như nghiến răng, dựa cằm hoặc cắn móng tay.

Tránh quá tải cơ hàm: ăn thức ăn mềm, cắt thức ăn thành miếng nhỏ, tránh xa thức ăn dính hoặc nhai, không được khuyến khích ngáp rộng, nhai kẹo cao su và bất kỳ hoạt động nào khác có thể gây ra cử động hàm quá mức.

Kéo dài và xoa bóp. Bác sĩ hướng dẫn cho người bệnh cách thực hiện các bài tập kéo dài và tăng cường cơ hàm và cách tự xoa bóp các cơ.

Nóng hoặc lạnh: chườm ấm, nóng ẩm hoặc nước đá vào vùng khớp có thể giúp giảm đau.

Tập thể dục đều dặn tại nhà và tránh căng thẳng.

3.3. Điều trị phẫu thuật

Phẫu thuật nội soi khớp thái dương hàm, phẫu thuật khớp mở phức tạp hơn được thực hiện ở tuyến chuyên khoa chuyên sâu.

 

Nguồn tham khảo:

https://www.mouthhealthy.org/all-topics-a-z/tmj/

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/tmj/symptoms-causes/syc-20350941

Tác giả: Khoa RHM-Mắt-TMH – Trung tâm Y tế thành phố Quy Nhơn

Facebook

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin tức mới

Scroll to Top