Loét dạ dày – tá tràng (LDDTT) là một bệnh khá phổ biến ở Việt Nam và cũng là vấn đề sức khỏe mang tính chất toàn cầu. Tại Việt Nam năm 2010 tỉ lệ LDDTT chiếm 20,1% trên tổng số bệnh nhân nội soi tiêu hóa trên. Bệnh diễn tiến mạn tính, thường hay tái phát, có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân và biến đổi ác tính ở dạ dày. Ngày nay các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng Helicobacter – Pylori (HP) là nguyên nhân chính gây LDDTT. Như vậy để điều trị LDDTT có HP dương tính thì bắt buộc phải tiệt trừ HP. Tuy nhiên hiện nay vấn đề tiệt trừ HP càng trở nên khó khăn, do tình trạng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn. Do vậy việc tìm ra một phác đồ để điều trị tiệt trừ HP kháng thuốc là thật sự cần thiết và cấp bách.
Thủ thuật Nội soi dạ dày và sinh thiết làm Clo-test
Hiện nay đã có rất nhiều bằng chứng cho thấy HP có liên quan đến sự hình thành của loét dạ dày tá tràng. HP được tìm thấy ở hầu hết bệnh nhân bị LDDTT. Sự tồn tại của HP được xem là một yếu tố nguy cơ cho sự hình thành của ổ loét. Việc điều trị tiệt trừ HP làm giảm một cách có ý nghĩa tình trạng tái phát các ổ LDDTT. Điều trị tiệt trừ HP sẽ làm cho ổ loét lành nhanh hơn và đáng tin cậy hơn so với điều trị bằng thuốc kháng tiết đơn thuần. Hiện nay tình trạng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn HP khá cao và đó là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến thất bại trong điều trị. Đề kháng xảy ra với nhiều mức độ rất khác nhau trên thế giới và điều này dẫn đến việc lựa chọn phác đồ phù hợp cho điều trị tiệt trừ HP gặp nhiều khó khăn. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đề kháng kháng sinh không phụ thuộc tuổi, giới và tình trạng lâm sàng của bệnh nhân. Tại Việt Nam các nghiên cứu đều có tỉ lệ kháng Clarithromycin >20%, Metronidazole >50%.
Phác đồ lai RA-RACT (Rabeprazole-Amoxicillin 7 ngày đầu và Rabeprazole – Amoxicillin – Clarithromycin – Tinidazole 7 ngày tiếp theo) được cho là có khả năng vượt qua được đề kháng kháng sinh của HP đối với Clarithromycin và Tinidazole. Duy trì ưu điểm tăng hiệu quả tác dụng của Clarithromycin và ngăn chặn tình trạng kháng Clarithromycin thứ phát qua việc phá hủy các kênh kháng Clarithromycin trên thành tế bào vi khuẩn bởi Amoxicillin.
Phác đồ lai RA – RACT không những tỉ lệ tiệt trừ HP cao (>90%) mà còn có sự cải thiện về mặt lâm sàng, hình ảnh nội soi ổ loét và tác dụng phụ các thuốc trong phác đồ thường nhẹ, bệnh nhân chấp nhận được.
Năm 2019 tại Bệnh viện đa khoa TP. Quy Nhơn đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Đánh giá hiệu quả của phác đồ lai RA-RACT trong điều trị bệnh nhân LDDTT có Helicobacter – pylori dương tính tại Bệnh viện đa khoa TP. Quy Nhơn”.
- Đối tượng nghiên cứu : 60 bệnh nhân Loét dạ dày – tá tràng có HP dương tính đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thành Phố Quy Nhơn.
- Phương pháp nghiên cứu: Thử nghiệm lâm sàng không đối chứng.
Quy trình nghiên cứu:
- Khám lâm sàng chọn lọc những đối tượng nghiên cứu gợi ý loét dạ dày – tá tràng và không có chống chỉ định Nội soi dạ dày.
- Tiến hành Nội soi dạ dày đánh giá ổ loét dạ dày và/hoặc loét tá tràng sinh thiết làm Clo-test.
- Nếu bệnh nhân loét dạ dày và/hoặc loét tá tràng có Clo-test ( + ) tiến hành điều trị phác đồ lai RA-RACT 14 ngày, tiếp tục duy trì Rabeprazole 2 tuần đối với loét hành tá tràng và 4 tuần đối với loét dạ dày.
- Sau đó bệnh nhân nghỉ thuốc 4 tuần và tái khám theo hẹn đánh giá sự cải thiện lâm sàng, tác dụng phụ của phác đồ, nội soi đánh giá ổ loét và làm lại Clo-test để đánh giá sự tiệt trừ HP.
Kết quả:
Bảng 1. Kết quả tiệt trừ HP sau điều trị
Clo-test | Số lượng (n=60) | Tỉ lệ % |
Âm tính | 55 | 91,7 |
Dương tính | 5 | 8,3 |
Tổng | 60 | 100 |
Bảng 2. Hiệu quả lâm sàng, nội soi, tác dụng phụ của phác đồ lai RA – RACT
Hiệu quả | Số lượng (n=60) | Tỉ lệ % | |
Lâm sàng: Đau thượng vị | Hết đau hoàn toàn | 49 | 81,7 |
Giảm đau nhiều | 9 | 15 | |
Giảm ít hoặc không giảm | 2 | 3,3 | |
Mức độ liền sẹo | Liền sẹo tốt | 52 | 86,7 |
Chưa liền sẹo | 8 | 13,3 | |
Mức độ tác dụng phụ | Mức độ nhẹ ( <3 triệu chứng) | 27 | 45,0 |
Mức độ vừa ( có 3 triệu chứng ) | 20 | 33,3 | |
Mức độ nặng ( ≥4 triệu chứng ) | 13 | 21,7 |
Bàn luận:
- Trong nghiên cứu của chúng tôi tỉ lệ tiệt trừ HP của phác đồ lai RA-RACT là 91,7%. Hiện nay đã có nhiều nghiên cứu đánh giá hiệu quả của phác đồ lai cũng như so sánh với hiệu quả với các phác đồ chuẩn 3 thuốc, phác đồ nối tiếp, phác đồ đồng thời, nhìn chung hiệu quả tiệt trừ của phác đồ lai đạt tỉ lệ cao (>90%). Nghiên cứu của chúng tôi cũng phù hợp với các tác giả trong và ngoài nước. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy không có mối liên quan giữa tiệt trừ HP với đặc điểm lâm sàng và đặc điểm ổ loét.
- Về đáp ứng lâm sàng, hiệu quả hết đau hoàn toàn trong nghiên cứu của chúng tôi là 81,7%. Nghiên cứu của chúng tôi có thấp hơn các tác giả trong nước ( Nguyễn Duy Thạch BV TƯ Huế năm 2015 : 89,5%. Phạm Phú Anh BV TƯ Huế 2016 : 93,2%), nhưng vẫn ở mức tỉ lệ cao. Sở dĩ có sự chênh lệch này là do ngưỡng đau của bệnh nhân và quần thể nghiên cứu. Trong nghiên cứu của chúng tôi nhận thấy có mối liên quan giữa hết đau hoàn toàn với tuổi, số lượng và kích thước ổ loét.
- Về mức độ liền sẹo trên nội soi: Kết quả nghiên cứu của chúng tôi đạt tỉ lệ liền sẹo tốt chiếm tỉ lệ 86,7%. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cao hơn nghiên cứu của Bùi Thị Thanh Vinh 2009, BV Đồng Nai : 79,5%, tương đương với nghiên cứu của Phạm Phú Anh BV TƯ Huế 2016: 92,1%. Về kết quả liền sẹo cho thấy việc tiệt trừ HP thành công đã cải thiện đáng kể sự làm lành tổn thương trong loét DDTT. Nghiên cứu của chúng tôi cũng cho thấy không có mối liên quan giữa liền sẹo với đặc điểm ổ loét và kết quả tiệt trừ HP.
- Trong nghiên cứu của chúng tôi thì tỉ lệ tác dụng phụ mức độ nhẹ và vừa chiếm tỉ lệ đa số 78,3%, không có trường hợp nào phải bỏ điều trị. Khi so sánh mức độ tác dụng phụ thì nghiên cứu của chúng tôi cao hơn nghiên cứu của các tác giả trong nước, sự khác biệt trên có lẽ là do mẫu nghiên cứu của chúng tôi còn nhỏ, cần có 1 khảo sát lớn hơn để xác định thêm về mức độ tác dụng phụ. Nghiên cứu của chúng tôi phác đồ lai RA-RACT đã được dung nạp tốt, tác dụng phụ ngoại ý xuất hiện là những tác dụng phụ thường gặp khi phối hợp thuốc kháng tiết với các thuốc kháng sinh Clarithromycin và Tinidazole.
Kết luận: Qua nghiên cứu 60 bệnh nhân LDDTT có HP dương tính chúng tôi nhận thấy :
- Tỉ lệ tiệt trừ HP là 91,7%.
- Đáp ứng lâm sàng : Hết đau hoàn toàn tỉ lệ là 81,7%.
- Ổ loét liền sẹo tốt sau điều trị là 86,7%.
- Mức độ tác dụng phụ nhẹ và vừa chiếm tỉ lệ 78,3%
BSCKII NGUYỄN ĐÌNH HOÀI (Trưởng Khoa Khám bệnh – TTYT Tp Quy Nhơn)